Ngày này cách đây 68 năm, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, Bác đã ân cần thăm hỏi, dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ y tế, đồng thời Bác cũng đã căn dặn: “phải thương yêu người bệnh; người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn; lương y phải như từ mẫu” vẫn vang vọng, thấm sâu trong tâm trí của những người thầy thuốc Việt Nam.
Bác viết thư cho Hội nghị cán bộ y tế
Đây là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam. Càng tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đã đạt được, chúng ta càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn mọi thách thức, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, để xứng đáng với sự hy sinh, phấn đấu của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong 68 năm qua, Ngành Y tế đất nước ta đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm; hệ thống chính sách tài chính, bảo hiểm y tế; năng lực chuyên môn, trình độ khoa học của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nghiên cứu về sức khỏe… đều có bước phát triển vững mạnh. Nhiều giáo sư, bác sĩ đã được nhà nước vinh danh phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú. Đó là những tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần vì nước, vì dân, sống hết mình vì người bệnh, xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo và phát huy để phục vụ tốt hơn nữa trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Trong cuộc chiến chống dịch, lực lượng y tế đã được ví như những người lính cảm tử nơi tuyến đầu giáp mặt với tử thần, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, trực tiếp cứu chữa người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh.
Đã có nhiều hình ảnh, câu chuyện, đoạn phim phản ánh chân thực sự vất vả, nhọc nhằn và hy sinh của những "chiến sĩ áo trắng" với bộ trang phục bảo hộ kín mít toàn thân ướt sũng mồ hôi, đôi tay bợt bạt, nhăn nheo, ánh mắt bơ phờ mệt, trên gương mặt in hằn dấu vết của đồ bảo hộ. Họ lăn lộn ở khắp các tâm dịch, giữa trời nắng gay gắt 39-40 độ truy tìm mầm bệnh khiến không ít người xót xa. Sự hy sinh, cống hiến vì sức khỏe nhân dân của các "chiến sĩ áo trắng" là không thể đong đếm được.
Hình ảnh các “chiến sĩ áo trắng” trong những tuyến đầu phòng chống dịch
Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài, làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng, nhưng những khó khăn, nguy hiểm đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Áp lực, vất vả là thế nhưng không làm giảm đi ý chí của họ. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, là tình đồng chí cao cả.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày tôn vinh nghề thầy thuốc, mà còn là ngày nhắc nhở mọi người hãy sẻ chia với những khó khăn của ngành Y tế. Chúng ta vẫn có thể tôn vinh các thầy thuốc bằng cái nhìn thiện cảm hơn, biểu dương những việc làm tốt của họ, khuyến khích họ sáng tạo và có các giải pháp hữu hiệu bảo vệ các thầy thuốc chân chính. Sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, của Nhân dân là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng y tế vững lòng thực hiện sứ mệnh cao cả bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.