Ngày 19/8/1945- Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ là mốc lịch sử vàng son chói lọi của dân tộc đã đánh dấu việc kết thúc của chế độ thực dân phong kiến. Đồng thời, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, từ đó thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây chính là sự kiện trọng đại không chỉ với nước ta mà còn là các nước bị thực dân đô hộ trên toàn cầu.
I.Diễn biến lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945
Trở lại với những trang sử cách đây 79 năm, với lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cùng với tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm cao, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng với người đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với lời kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, dân tộc Việt Nam ta đã đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, đập tan xiềng xích của quân thù, của chế độ phong kiến và giành nền độc lập mới cho đất nước. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2-9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền.
- Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
III. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám
Ngay từ những năm đất nước chưa thống nhất, lễ kỷ niệm cách mạng tháng Tám đã được quan tâm và chú trọng, phản ánh tầm quan trọng của sự kiện này trong lịch sử dân tộc. Các chỉ thị và chính sách từ lãnh đạo Trung ương về việc kỷ niệm cách mạng tháng Tám đã được ban hành để hướng dẫn các cấp chính quyền và các tổ chức tiến hành các hoạt động phù hợp, đảm bảo sự nhất quán và hiệu quả.
Dưới đây là một số văn bản nổi bật về việc tổ chức kỷ niệm cách mạng tháng Tám trong thời kỳ đất nước chưa thống nhất của Ban Chấp Hành Trung Ương và Ban Chấp Hành Nam Hà đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ tỉnh Nam Định, trân trọng giới thiệu đến quý độc giả:
Thông tri số 240 TT/TW ngày 14-9-1969 của Ban Chấp Hành Trung Ương về việc kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9
Chỉ thị số 02-CT/TW ngày 12/8/1975 của Ban Chấp Hành Nam Hà về việc Tổ chức kỷ niệm lần thứ 30 ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thắp lên ánh sáng cho cả đất nước trong bóng tối của chế độ phong kiến, của sự áp bức khốn cùng từ thực dân Pháp. Và để có được sự thành công trong cuộc Tổng khởi nghĩa ấy là sự ngã xuống cùng máu đỏ của những người chiến sĩ, là những đêm bàn mưu chiến lược căng thẳng đầu óc của những chỉ huy lãnh đạo, là những đêm mất ngủ của thanh niên xung phong. Chúng tôi, học sinh trường THPT Bạch Đằng, luôn biết ơn, trân trọng và tự hào về những cha anh đi trước, luôn ý thức được phải phát huy tinh thần giữ nước và phát triển đất nước đi lên sao cho sánh kịp với cường quốc năm châu. Dù đã gần 80 năm trôi qua kể từ những phút giây chiến thắng huy hoàng ấy, nhưng ta vẫn hừng hực hào khí Việt Nam - một đất nước với những con người nhỏ bé mà không hề tầm thường.