Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Và vào ngày 2/9/1969 cũng là ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Khi Bản Tuyên ngôn được đọc lên, đó chính là văn bản pháp lý khẳng định nước Việt Nam tự do độc lập với toàn thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập được coi là bản “Thiên cổ hùng văn” về quyền con người, quyền dân tộc. Khẳng định quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của nhân dân ta là quyền độc lập, tự do; là khát vọng và tinh thần đấu tranh để giữ vững nền độc lập tự do ấy,.. Thời gian đã trôi qua biết bao nhiêu thập kỉ, nhiều chi tiết nội dung trong Tuyên ngôn đã được nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người thể hiện trong Tuyên ngôn.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày Quốc Khánh 2/9 như một mốc son chói lọi, như một “chứng nhân lịch sử”; dù thời gian có trôi đi nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc sẽ trường tồn mãi với thời gian, với bản tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên.
Nhắc đến ngày lễ Quốc Khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Xúc động, kiêu hãnh vì tinh thần bất khuất của cả dân tộc với hơn nghìn năm giải phóng và xây dựng đất nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh dù đứng trước biết bao đế quốc hùng mạnh cũng không nhụt chí, nản lòng. Bắc- Trung- Nam đoàn kết một lòng giữ nước. Chúng ta đều tự hào vì là người con Đất Việt, đều hãnh diện vì là người con của mảnh đất anh hùng với những chiến công vang dội; đều biết ơn, nghẹn ngào trước sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông đi trước, không màng hiến xương, đổ máu vì 4 chữ “Độc lập- Tự do"...
Để kỉ niệm 79 năm ngày lễ Quốc Khánh 2/9, cả dân tộc Việt Nam đều thể hiện lòng biết ơn bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Mọi ngõ xóm, nẻo đường đều rực rỡ với lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh bay phấp phới trong làn gió mát. Trên các nền tảng xã hội như Tik Tok, Youtube,.. người dân Việt Nam cùng lan tỏa hành động vẽ quốc kỳ Việt Nam trên mái nhà, trên cánh cửa, lá cờ trong mắt- tổ quốc trong tim... Nhiều du khách quốc tế chia sẻ trải nghiệm của họ khi du lịch tại đất nước hình chữ S. Họ cảm thấy bất ngờ vì không quốc gia nào lại yêu quốc kỳ của đất nước mình như Việt Nam. Mọi dịp, mọi ngày lễ, mọi sự kiện đều kỉ niệm, đều ăn mừng bằng lá cờ đỏ sao vàng,.. Sao lại như vậy? Bởi họ đâu thể tưởng tượng, lá cờ ấy chính là sự đánh đổi, sự hi sinh; là máu thịt của biết bao sinh mạng,.. Nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu vàng là màu truyền thống tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, dân tộc Việt Nam trân trọng lá cờ, chính là trân trọng đất nước, thể hiện sự đoàn kết của cả dân tộc,..
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đường phố Hà Nội
Hình ảnh trào lưu vẽ cờ lên mái nhà
Ngoài ra, trong ngày lễ Quốc Khánh, nhiều địa điểm trên mọi miền tổ quốc Việt Nam đều bắn pháo hoa; tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ; những sự kiện, biểu diễn văn nghệ và hoạt động chào mừng ngày lễ lớn của cả dân tộc,...
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Là những người con của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta phải hiểu về lịch sử dân tộc, phải hiểu được sự đánh đổi to lớn để có được cuộc sống như hiện tại. Qua đó, thể hiện sự biết ơn, hãnh diện, luôn ra sức cống hiến, góp phần giữ gìn và dựng xây quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hi sinh của cha ông đi trước, những vị anh hùng và tuân theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “ Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"...