Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩn văn hóa tinh thần, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc.
Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Trên thế giới lễ hội sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn. Ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) đã trở thành ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành trong cả nước. Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách.
Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả. Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.