Ngày 25 tháng 4 hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỷ niệm ngày thế giới phòng chống sốt rét nhằm nhấn mạnh cam kết cộng đồng về bệnh sốt rét, cũng như sức mạnh toàn cầu trong việc đoàn kết vì mục tiêu chung hướng đến một thế giới không còn bệnh sốt rét.
Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt. Sốt rét có thể gây nên các biến chứng đe doạ tính mạng người bệnh do ký sinh trùng sốt rét xâm nhập vào cơ thể người phá hủy hồng cầu làm cho người bệnh bị thiếu máu và gây nên cơn sốt rét, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Các ký sinh trùng di chuyển đến gan và bắt đầu nằm im ủ bệnh trong 1-2 tuần, sau đó phóng thích ra tấn công vào các tế bào máu. Lúc này, các triệu chứng sốt rét bắt đầu xuất hiện rõ nét: Sốt cao, khi bị sốt rét, nhiệt độ cơ thể người bệnh trên 38,9 độ C. Đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở người bệnh, thường là khoảng từ 10-15 ngày sau khi muỗi đốt. Cơn sốt sẽ đến rồi đi một cách ngẫu nhiên và liên tục lặp đi lặp lại. Sốt cùng với các triệu chứng ban đầu của bệnh rất nhẹ và hay bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác như cảm lạnh hay cảm cúm. Những đợt sốt lần sau có cơn rét run dữ dội, run rẩy dữ dội cộng với đổ mồ hôi liên tục. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, cơn run rẩy có thể nặng tới mức gần như co giật. Cơn ớn lạnh, rét run do sốt rét gây ra không thể khắc phục bằng cách đắp mền hay mặc quần áo ấm hơn. Người bệnh có biểu hiện đau đầu và đau cơ. Những triệu chứng thứ phát chỉ xảy ra sau khi các triệu chứng cơ bản xuất hiện, vì ký sinh trùng cần thêm thời gian để sinh sôi nảy nở trong gan và lây lan khắp cơ thể. Thời gian đầu, cơn đau đầu của bệnh sốt rét khá nhẹ, giống như đau đầu do căng thẳng. Nhưng khi ký sinh trùng đã bắt đầu lây nhiễm và phá hủy các tế bào hồng cầu, cơn đau sẽ dữ dội hơn, giống như chứng đau nửa đầu kèm nôn mửa và tiêu chảy. Không giống như các loại tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm hay nhiễm tả, tiêu chảy do sốt rét không quá nghiêm trọng và cũng không đi cầu ra máu. Sau khi các triệu chứng cơ bản và thứ phát xuất hiện, nếu người bệnh vẫn không điều trị thì sẽ dẫn đến các triệu chứng nặng hơn.
Để phòng chống bệnh sốt rét, mọi người cần thực hiện các biện pháp như sau:
-Thường xuyên ngủ mùng (màn), ngay cả vào ban ngày và mùng cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét.
-Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng, không treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, trú ẩn.
-Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, có thể trồng hoặc đặt những loại cây như cây sả, cây húng thơm, hương thảo, cúc vạn thọ trong nhà, sân vườn… vừa thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho sức khỏe lại giúp phòng chống và xua đuổi muỗi hiệu quả.
Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc-xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người. Phát động chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao là dân di biến động vào các khu vực có sốt rét lưu hành, tăng cường vận động nhân dân tích cực làm tốt vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp bảo vệ cho cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, điều tra chủ động và điều trị sớm, kịp thời để góp phần đạt được các mục tiêu giảm tử vong, giảm mắc và không để xảy ra dịch.