Tháng 2 năm 1941, đoàn đại biểu Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập, đã dừng chân ở Khuổi Nọi, Vũ Lễ (Bắc Sơn). Tại đây, các đồng chí Trung ương đã họp với Đảng bộ Bắc Sơn và Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn để nắm tình hình, phổ biến chủ trương của Đảng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã thông báo, phổ biến quyết định của Trung ương, đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Ngày thành lập đội du kích Bắc Sơn 14/2/1941
Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn khi mới thành lập gồm 32 cán bộ, chiến sĩ cả miền ngược lẫn miền xuôi đã trưởng thành từ khởi nghĩa Bắc Sơn và các phong trào cách mạng thời kỳ này. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn là: tích cực dùng hình thức vũ trang công tác, củng cố mở rộng căn cứ du kích, nhanh chóng phát triển lực lượng về mọi mặt để kịp thời cơ đến, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí Lương Văn Tri thay mặt Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, hứa với Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, đồng chí Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đã nghiêm trang đọc 5 lời thề danh dự của Đội:
Một, không phản Đảng.
Hai, tuyệt đối trung thành với Đảng.
Ba, kiên quyết chiến đấu trả thù cho các đồng đội đã hi sinh.
Bốn, không hàng giặc.
Năm, không hại dân.
Toàn thể Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn cùng đồng thanh tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiêp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau khi thành lập, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đã biên chế lại tiểu đội, phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách các địa bàn, tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động, phát triển cơ sở quần chúng cách mạng, từng bước mở rộng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Trung tâm căn cứ Khuổi Nọi được tăng cường bố trí các lán trại, chuẩn bị bãi tập để tiếp tục tổ chức các lớp huấn luyện quân sự, chính trị. Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đã cho ra đời Bản tin “Du kích” do đồng chí Lương Văn Tri trực tiếp làm chủ bút, để làm tài liệu tuyên truyền trong quá trình vận động phát triển phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Để tăng cường kiến thức và kỷ luật cho Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, được sự phân công của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm và Chu Văn Tấn đã tổ chức các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự nhằm đào tạo cán bộ. Thôn Mỏ Pia, thôn Lân Táy (xã Tân Lập ngày nay) và một số địa điểm khác trong vùng chiến khu Bắc Sơn đã được Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chọn làm địa điểm xây dựng căn cứ bí mật, an toàn để huấn luyện cán bộ. Những đồng chí được học lớp huấn luyện này được đưa về các nơi làm nòng cốt, rồi tiếp tục mở ra các lớp huấn luyện khác để đào tạo thêm những người nòng cốt huấn luyện phong trào. Lo sợ trước hoạt động mạnh mẽ của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (Đội Cứu quốc quân 1), ngày 25/7/1941, thực dân Pháp huy động lực lượng tiến hành một cuộc đàn áp khốc liệt quy mô lớn đối với căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Trong cuộc đàn áp quy mô lớn này, thực dân Pháp và tay sai đã gây nhiều tội ác đối với nhân dân Bắc Sơn. Nhiều làng bản bị đốt phá, nhiều quần chúng cách mạng bị giết, bị bắt và bị tra tấn dã man. Chúng dồn dân tập trung ở Đàng Lang, xã Quỳnh Sơn (nay là xã Bắc Quỳnh) để hòng “tát nước bắt cá” tập trung tiêu diệt Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.
Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, đồng chí Lương Văn Tri cùng Ban Chỉ huy Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (Đội Cứu quốc quân 1) đã quyết định rút toàn bộ Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chia làm 2 phân đội theo hai hướng lên Cao Bằng và ra khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, phân đội Cứu quốc quân do đồng chí Lương Văn Tri và đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy rút ngày 10/8/1941 sang địa phận Bình Gia qua Na Rì, Ngân Sơn (Bắc Kạn) để lên Cao Bằng. Nhưng do một tên chánh tổng phản động ở Na Rì khai báo, đồng chí Lương Văn Tri cùng các đồng chí của mình bị quân địch bao vây, buộc phải nổ súng ngăn chặn địch để rút khỏi địa bàn. Trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy, đồng chí Phùng Chí Kiên đã hy sinh oanh liệt. Đồng chí Lương Văn Tri bị thương nặng, bị địch bắt và giam ở nhà tù Cao Bằng. Ngày 29/9/1941, đồng chí Lương Văn Tri đã anh dũng hy sinh, để lại tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hình ảnh các chiến sĩ du kích Bắc Sơn được trưng bày tại Bảo tàng.
Du kích Bắc Sơn đã nêu lên những tấm gương sáng về phẩm chất cách mạng, tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (Đội Cứu quốc quân 1) trong bối cảnh kẻ thù khủng bố ác liệt đối với phong trào cách mạng ở Bắc Sơn và Võ Nhai đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh kiên cường của quần chúng cách mạng trong cả nước. Những cống hiến lớn lao của họ đã góp phần đem lại độc lập tự do cho đất nước, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.