Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhưng chưa có nước nào công nhận Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho người đứng đầu các cường quốc, trong đó có Mỹ, song thiện chí ấy của Việt Nam đã không được đáp lại. Ngày 14/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn xin gia nhập LHQ song cũng không được chấp thuận. Ngày 06/01/1946, Việt Nam tổ chức tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc bầu Quốc hội khóa I. Ngày 02/3/1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam được thành lập tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I. Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ là Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh. Sau này, chính vị Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam đã có lần than thở dù làm Bộ trưởng nhưng ông hầu như không có việc gì làm và chỉ thỉnh thoảng ký vài giấy nghỉ phép cho anh em trong bộ.
Cho tới lúc ấy, ngoài các Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946 và Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946 mang tính chất quốc tế, còn lại Việt Nam vẫn hầu như bị cô lập. Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, các thế lực nước ngoài đã âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Vì vậy, quá trình gia nhập LHQ của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và chưa trở thành hiện thực.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, quá trình vận động Việt Nam vào Liên Hợp Quốc mới được tiếp tục. Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất tổ chức tổng tuyển cử lần thứ 2 trên cả nước và sau đó dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc.
Kể từ khi tham gia LHQ, Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện Hiến chương Liên hiệp quốc, tham gia vào các nỗ lực chung của quốc tế trong việc bảo vệ hòa bình, luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp xung đột thông qua các biện pháp hòa bình…Trên cương vị là Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ, năm 2020, theo đề xuất của Việt Nam, Đại hội đồng LHQ đã thống qua sáng kiến của Việt Nam với nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã có rất nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện v.v…
Trong tác phẩm “Dagestan của tôi” của Rasul Gamzatov có câu nói nổi tiếng: “Dân tộc nhỏ cần phải có dao găm lớn” và “Dân tộc nhỏ cần phải có bạn bè lớn”. Chắc chắn, với chủ trương đường lối nhất quán về đối ngoại và hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp trách nhiệm trong ngôi nhà chung của LHQ vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.