Theo đề nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, ngày 20.12.1993 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công bố ngày 3 tháng 5 là "Ngày Tự do Báo chí thế giới" (Nghị quyết số 48/432) để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và đánh dấu ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek, một tuyên ngôn về những nguyên tắc tự do báo chí do các nhà báo châu Phi đưa ra năm 1991
.
UNESCO đánh dấu "Ngày Tự do Báo chí thế giới" bằng việc nhắc tới Giải Guillermo Cano cho Tự do Báo chí trên thế giới trao cho một cá nhân, một tổ chức hay một cơ quan xứng đáng, đã có đóng góp xuất sắc vào việc bảo vệ hoặc làm tăng cao quyền tự do báo chí trên khắp thế giới, nhất là khi việc này được thực hiện lúc phải đối mặt với sự nguy hiểm. Được thiết lập năm 1997, giải này được trao theo sự tiến cử của một ban giám khảo độc lập gồm 14 chuyên gia về tin tức. Các tên ứng viên do các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương đấu tranh cho tự do báo chí và các nước thành viên UNESCO đề cử.
Giải được đặt tên như vậy để vinh danh Guillermo Cano Isaza, một nhà báo người Colombia đã bị ám sát ngay trước trụ sở tòa báo El Espectador của ông ở Bogotá, ngày 17.12.1986 vì ông viết nhiều bài tố cáo tội phạm của những ông trùm ma túy đầy thế lực ở Colombia.
UNESCO cũng đánh dấu "Ngày Tự do Báo chí thế giới" mỗi năm bằng cách tập hợp các chuyên gia phương tiện truyền thông, các tổ chức tự do báo chí và các cơ quan Liên Hợp Quốc để đánh giá tình trạng tự do báo chí trên toàn thế giới và bàn luận các giải pháp để giải quyết những thách thức. Mỗi hội nghị tập trung vào một chủ đề liên quan đến tự do báo chí, bao gồm việc quản trị tốt, việc theo dõi đua tin của phương tiện truyền thông về nạn khủng bố, tinh trạng các tội phạm không bị trừng phạt và vai trò của các phương tiện truyền thông ở các nước sau khi xảy ra chiến tranh.
Ngày Tự do Báo chí thế giới năm 2011 được tổ chức ở Washington, D.C., Hoa Kỳ từ ngày 1-3 tháng 5. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí thế giới. Ngày kỷ niệm này đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản của phương tiện truyền thông tự do trong thời đại kỹ thuật số - khả năng của các công dân nói lên ý kiến của họ và khả năng truy cập các nguồn thông tin độc lập khác nhau - 20 năm sau Tuyên ngôn ban đầu được đưa ra ở Windhoek, Namibia. Chương trình và chương trình nghị sự Ngày Tự do Báo chí thế giới tại Wayback Machine.