Đã bao giờ bạn nhìn một con thuyền bơi ngược nước trên sông? Người lái phải gò mình sải cánh bơi mạnh mái chèo thì con thuyền mới tiến lên được. Nếu dừng tay chèo thì con thuyền không đứng lại mà lùi theo dòng nước chảy mạnh. Sự học cũng như vậy, có khác gì việc bơi thuyền ngược nước: không tiến sẽ phải lùi. Chúng ta đang sống trong thời đại mới - thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin hay trí tuệ nhân tạo, xã hội không ngừng thay đổi chính vì thế chúng ta không thể không ngừng học hỏi vì kiến thức hôm nay có thể sẽ trở nên lỗi thời vào ngày mai. Và mỗi người trong chúng ta đều có một cách học riêng nhưng học như thế nào, học ra làm sao thì đó là một điều vô cùng quan trọng. Sau đây tôi xin phép đưa ra một số phương pháp giúp nâng cao hiệu quả học tập và mong rằng nó sẽ hữu ích cho bạn!
1. NHẬN THỨC VIỆC HỌC
Chắc hẳn trong đời ai cũng đã từng đặt câu hỏi cho bản thân: “ Tôi cố gắng vì điều gì? ” Bất kể bạn đang làm gì, bạn phải có đích đến và đặt ra mục tiêu để đạt được nó. Khi bạn muốn từ bỏ việc gì đó bạn hãy nghĩ đến lý do mà bạn bắt đầu.Việc học tập cũng thế, chỉ khi bạn biết được mục đích của việc học, bạn mới có thể chinh phục nó. Chinh phục để hoàn thành ước mơ, hoàn thiện bản thân và vững vàng trong cuộc sống. Do những thay đổi của thời đại mà các bạn trẻ ngày càng quên đi ý nghĩa của việc học, coi đó là trọng trách của bản thân và tạo ra những áp lực vô hình lên chính mình. Thực tế cho thấy, hầu hết chúng ta đang bị cuốn vào vòng xoay của thời đại mà đánh mất mục đích cơ bản của việc học: Đó là tiếp thu kiến thức. Áp lực học tập và thi cử được đặt ra khiến mọi người mất đi niềm vui và đam mê, thay vào đó dành sự quan tâm của mình vào điểm số và thành tích. Thi cử không phải là cuộc đua với người khác mà là cuộc đua với chính bản thân bạn để trở thành phiên bản tốt nhất của mình. Hãy nhớ rằng bạn đang học vì bản thân, để mở rộng tầm nhìn và khám phá tiềm năng của mình, chỉ khi đó bạn mới bộc lộ hết khả năng của bản thân.
2. TỰ LẬP KẾ HOẠCH CHO BẢN THÂN
Lập kế hoạch đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Các bạn thường nghe câu: Mục đích đến trái đất để làm gì, nhưng không thể trả lời nó. Thật ra câu hỏi đó chỉ mang ý nghĩa là bạn phải biết được cái đích cần hướng đến là gì, thực sự cần gì và muốn đạt được những gì? Bạn nên tạo cho mình một kế hoạch, một mục tiêu cho năm học mới. Khi bạn có mục tiêu thật sự, điều tất yếu bạn sẽ có hướng đi cho chính mình, nghĩa là bạn biết mình cần phải làm gì để đạt được điều đó. Tuy nhiên, để muốn hay đạt được điều đó bạn cũng cần phải dựa trên những cơ sở thực tế. Bạn sẽ hướng tới những điều đó bằng cách nào? Cứ như vậy mà đạt được hay sao? Hay chỉ ngồi mà cầu trời khấn phật để giúp bạn đạt được điều đó? KHÔNG! Bạn cần phải xác định được hướng đi đúng đắn và nỗ lực không ngừng. Bạn không thể lần mò trong bóng tối mà hãy vạch cho mình một hướng đi. Hãy lập ra một kế hoạch cụ thể để triển khai khát vọng của bạn, và hãy bắt đầu biến kế hoạch thành hành động ngay lập tức, dù bạn sẵn sàng hay không. Tự tạo cho mình một thời gian biểu hợp lí với các nội dung học tập. Nó sẽ đảm bảo được tiến độ và sự chuẩn bị chu đáo trong một khoảng thời gian dài, và không nên học nhồi nhét khi mình không theo được tiến độ kế hoạch. Nên chia mục tiêu thành các phần nhỏ rồi thực hiện. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được. Trước khi bắt đầu, hãy lên kế hoạch cẩn thận.
3. NGƯNG TRÌ HOÃN VÀ SỬ DỤNG THỜI GIAN HỢP LÝ
Muốn đạt hiệu quả cao trong học tập cũng cần sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Không thể học một cách bừa bãi lúc nào thích thì học không thích thì chơi. Thời gian miễn phí nhưng nó vô giá, bạn không thể sở hữu nó nhưng có thể sử dụng nó và một khi đánh mất, nó không bao giờ có thể lấy lại. Những người làm cho thời gian của họ tồi tệ hầu như chỉ phàn nàn về sự ngắn ngủi của nó. Đừng đợi có thời gian rồi mới làm mà hãy làm để có thời gian. Đặt ra thời gian cụ thể cho việc học và thực hiện điều đó hàng ngày để nó trở thành thói quen của bản thân. Học nhiều không đồng nghĩa kết quả thu lại sẽ cao, học với lượng thời gian phù hợp sẽ giúp hiệu suất học tập đạt mức cao nhất. Bên cạnh đó nên chọn cho mình khoảng thời gian mà bản thân cảm thấy thoải mái và ở trong trạng thái tốt nhất, lúc đó việc tiếp thu kiến thức trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Và đừng làm việc quá sức, điều đó có thể làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu một chút, làm việc một chút, nghỉ ngơi một chút (5 – 10 phút), khoảng nghỉ ấy sẽ giúp bạn hồi phục và lấy lại nhịp độ. Mặc dù nó có vẻ giống như một bước tự nhiên và hợp lý, nhưng chúng ta thường quên nghỉ một lần trong một thời gian. Đó chính là chìa khóa của quản lý thời gian – chiếc chìa khóa mở lối thành công.
4. PHƯƠNG PHÁP GHI NHỚ
Luyện tập kỹ năng ghi nhớ kiến thức một cách logic. Muốn có một tư duy khoa học cần phải có một hệ thống kiến thức nhất định.Việc nắm vững kiến thức cơ bản sẽ làm cơ sở cho tư duy, là tiền đề cho việc nắm vững kiến thức mới. Nắm chắc kiến thức có nghĩa là hiểu được nhớ lâu và có thể vận dụng được kiến thức trong nhiều phương diện. Chúng ta biết trí nhớ là hoạt động phản xạ có điều kiện. Muốn lập được phản xạ có điều kiện thông tin phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy trong ghi nhớ kiến thức cần phải ôn tập thường xuyên và có hệ thống để tăng cường khả năng ghi nhớ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta đã dạy: Dốt đến đâu học lâu cũng giỏi, Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Ngoài ra nhớ lâu thường dựa trên ấn tượng mạnh tác động tới ngưỡng tâm lý chúng ta: Một kiến thức hay, một cách giải quyết vấn đề độc đáo, một lần bị sai lầm là những ấn tượng khó quên lưu lại lâu bền trong trí nhớ chúng ta. Nhớ lâu nó cũng bắt nguồn từ hứng thú học tập. Nó chính là chất men kích thích cảm hứng học tập. Vì vậy luôn chuẩn bị cho mình tinh thần thoải mái và sự tập trung cao độ, tránh phân tán tư tưởng khi học.
5. Ý THỨC TỰ TÌM TÒI VÀ HỌC HỎI
Trong học tập các bạn nên xây dựng cho mình một nề nếp vận dụng những phương pháp khoa học để ghi nhớ, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Sẽ không đủ nếu bạn chỉ học trong SGK, cần phải dành thời gian để tìm tòi tài liệu, làm phong phú vốn tri thức của bản thân. “Khi người học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện ” Đừng ngại ngần khi trao đổi với thầy cô, bạn bè về một vấn đề mà bạn chưa hiểu rõ, qua những lần trao đổi đó, kiến thức sẽ được hằn sâu trong đầu bạn hơn bất kì cách nào khác. Các bạn cũng có thể tạo ra những đôi bạn cùng tiến để cùng thi đua học tập và trau dồi tri thức. Khi đó, việc học sẽ không quá nặng nề mà trở nên thú vị hơn. Tạo cho bản thân thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Tự học là phương pháp tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất đối với bất kỳ ai. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học. Suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước Người đã tự mình học hỏi để rồi có được vốn hiểu biết phong phú về văn hóa các nước, hiểu thông thạo nhiều loại ngôn ngữ. Vậy tại sao chúng ta lại không tạo cho mình thói quen tự học? Hiện nay trên các phương tiện, lượng kiến thức rất phong phú chúng ta chỉ cần vào google tìm kiếm là đã có bách khoa toàn thư về kiến thức hay bất cứ một vấn đề nào khác. Việc tự học ảnh hưởng rất lớn đến thành tích học tập, thay vì đi học thêm quá nhiều nơi thì ta cần 1 lượng đủ thời gian để tự học ở nhà. Ôn lại bài đã học. Bằng phương pháp tự học chắc chắn rằng bạn sẽ nhanh chóng đạt được những mục tiêu của bản thân.
Chúc bạn thành công!