1. Thân thế và sự nghiệp đồng chí Lê Hồng Phong
Đồng chí Lê Hồng Phong, tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân lao động. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.
Sau khi học xong sơ học yếu lược, Lê Hồng Phong đã rời làng ra thành phố, đầu tiên ở Vinh, sau là Bến Thủy, sống cảnh làm thuê, làm mướn. Không chịu đựng nổi cảnh bóc lột và áp bức của giới chủ, Lê Hồng Phong và những người cùng tâm huyết đã vận động anh chị em công nhân nổi dậy đấu tranh. Vì lẽ đó mà Lê Hồng Phong bị đuổi việc.
Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong cùng người bạn thân là Phạm Hồng Thái bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, Lê Hồng Phong sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Kể từ đó, Lê Hồng Phong quyết tâm đi theo con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo lớp đầu tiên của cách mạng nước ta. Đồng chí đã được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân ở Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xô-viết ở Lê-nin-grat, Trường Đào tạo phi công quân sự ở Bô-rit-ơ-lep-xcơ (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong đã hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xô-viết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, Đồng chí được học tập lý luận cách mạng một cách hệ thống tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va, tốt nghiệp khóa III năm (1928 - 1931), sau đó vào học tiếp năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh.
Sau cao trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931), do sự khủng bố dã man và tàn bạo của thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn và tổn thất nặng nề. Hầu hết các Ủy viên Trung ương, các Xứ ủy viên đều bị bắt hoặc bị sát hại; hàng trăm cán bộ, hàng nghìn đảng viên bị bắt bớ, tù đày. Các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phần nhiều bị tan vỡ hoặc tê liệt. Trước tình hình đó, tháng 11-1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong về nước để lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.
Đầu năm 1932, khi đến thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc với các đồng chí trung kiên, cùng vạch ra Chương trình hành động của Đảng, được Quốc tế Cộng sản thông qua. Chương trình hành động của Đảng là một văn kiện chính trị quan trọng, khẳng định sự đúng đắn và nhất quán với đường lối cách mạng được Đảng ta vạch ra từ năm 1930, đánh giá cao thắng lợi của quần chúng cách mạng trong cao trào 1930 - 1931, đồng thời nghiêm khắc chỉ ra những sai lầm trong Đảng và đề ra yêu cầu kiên quyết khắc phục sai lầm, đưa cách mạng tiến lên.
Tháng 3-1934, Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí tiến hành Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước (lúc đó gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng). Ban Chỉ huy ở ngoài có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập là Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Ban Chỉ huy ở ngoài đã chuẩn bị và quyết định triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Đại hội đã thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, một số văn kiện quan trọng khác và bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 Ủy viên do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu.
Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Mát-xcơ-va (Liên Xô) từ ngày 25-7 đến ngày 25-8-1935. Đồng chí đã trình bày một bản báo cáo quan trọng về cuộc đấu tranh của các dân tộc ở Đông Dương và đã được Đại hội đánh giá cao. Đại hội đã thông qua quyết nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Tháng 7-1936, tại Thượng Hải, Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, bao gồm các hình thức đấu tranh, hình thức hoạt động phong phú từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, bán công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, nhằm mục đích "dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển", chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào 1936 - 1939.
Tháng 11-1937, Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn, cùng Trung ương tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng.
Ngày 22-6-1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23-12-1939 chúng đưa Đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20-01-1940, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, chúng đày Đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 06-9-1942 sau khi đã nhắn lại "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".
2. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá
Bốn mươi tuổi đời, hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Dân tộc. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.
Là người chủ trì công việc của Đảng trong thời kỳ cách mạng thoái trào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi cả đất nước chìm ngập trong làn sóng khủng bố trắng của địch, tưởng chừng không vượt qua nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng với Trung ương tiến hành một loạt công tác tỉ mỉ, kiên trì, sáng tạo nhằm khôi phục Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của Nhân dân, nuôi niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng. Trong đó, việc đề ra Chương trình hành động và lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng là hai sự kiện có tầm quan trọng hàng đầu. Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn được hai yêu cầu cơ bản trong công tác của một người lãnh đạo là vừa quan tâm những vấn đề chiến lược, tổng quát; vừa chỉ đạo những công việc cụ thể, thiết thực, có hiệu quả. Trong những năm 1933 - 1934, cùng với việc đề ra chương trình hành động của Đảng, Đồng chí còn dịch một số tài liệu và viết cuốn sách "Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương" để tuyên truyền, vận động cách mạng. Đồng thời cùng các đồng chí của mình chỉ đạo lập ra các ban cán sự đảng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, cử người đi gây dựng lại các cơ sở đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai...
Sau khi khôi phục được phong trào cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị những tiền đề tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc hình thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Đồng chí đã có công lớn trong việc chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng. Trong thời gian bị địch giam cầm, quản thúc, Đồng chí vẫn tham gia trên mặt trận lý luận. Hàng chục bài viết của Đồng chí được bí mật gửi, đăng tải trên các tờ báo của Đảng, nhất là Báo Dân chúng, thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, không một phút nghỉ ngơi của người chiến sĩ cộng sản. Có được sự trưởng thành như vậy, phần quan trọng là do Lê Hồng Phong đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục, đào tạo, rèn luyện và thường xuyên chỉ đạo. Từ một thanh niên yêu nước đi tìm đường cách mạng, Lê Hồng Phong đã sớm gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đến với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một học trò ưu tú của Người.
Ở Lê Hồng Phong, một trong những phẩm chất nổi bật là tấm gương học tập và rèn luyện. Không được học tập đầy đủ khi tuổi còn niên thiếu, lớn lên đi hoạt động cách mạng, Đồng chí càng khát khao trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập. Trong thời gian ở Trung Quốc và Liên Xô, Lê Hồng Phong đã trải qua nhiều trường, nhiều lớp; có khi lớp học cũ chưa xong, hoàn cảnh buộc chuyển sang lớp học mới; học quân sự, học chính trị, học lý luận... Có thể nói, trong số những cán bộ hoạt động cách mạng lúc bấy giờ, Lê Hồng Phong là người được trang bị nhiều kiến thức ở nhà trường nhất. Điều đó giúp Đồng chí rất nhiều trong công tác, nhất là khi phải chủ trì công việc trọng đại của Đảng.
Đồng chí luôn gắn việc học tập với hoạt động cách mạng, rèn luyện trong tổ chức và chỉ đạo thực tiễn. Việc chắp nối, liên lạc để khôi phục các tổ chức cơ sở đảng ở trong nước và chủ trương đưa địa bàn hoạt động về trong nước thay vì chỉ đạo từ xa đã nói lên điều đó. Lê Hồng Phong là một tấm gương mẫu mực trong việc kết hợp giữa học và hành, lý luận và thực tiễn.
Đồng chí Lê Hồng Phong còn là một nhà hoạt động quốc tế nhiệt thành. Ở Đồng chí, thể hiện rất sâu sắc lòng yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế, cách mạng Việt Nam kết hợp với cách mạng thế giới. Đồng chí tìm thấy ở các nước bè bạn một địa bàn hoạt động khi điều kiện trong nước còn khó khăn; một môi trường học tập, rèn luyện thuận lợi; một nơi cùng phối hợp, liên kết, ủng hộ lẫn nhau trong hoạt động cách mạng. Chính nhờ mối liên hệ quốc tế đó mà nhãn quan chính trị và tầm hiểu biết của Đồng chí rộng rãi và sâu sắc hơn, giúp giải quyết có hiệu quả hơn những nhiệm vụ cách mạng của nước ta đặt ra thời kỳ đó. Trong những năm học tập tại Trung Quốc và Liên Xô, Đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau này, trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Đồng chí càng có điều kiện để cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta gắn kết phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giúp phong trào cộng sản quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, Đồng chí luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của Đồng chí luôn luôn dành cho Đảng và Nhân dân. Vì Đảng, vì Dân, Lê Hồng Phong chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, từ biệt gia đình bôn ba đi tìm đường cách mạng. Và cũng vì Đảng, vì Dân, Lê Hồng Phong nhiều lần trở về nước để hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng; và đã hy sinh cả tình riêng, cả bản thân mình. Người đồng chí, người bạn đời yêu dấu của Đồng chí - chị Nguyễn Thị Minh Khai - cũng bị địch bắt và kết án tử hình năm 1941. Hai nhà lãnh đạo yêu quý của chúng ta đã hy sinh vì nghĩa lớn, để lại đứa con thơ khi mới hơn 2 tuổi.
Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Đánh giá về lớp cán bộ tài năng, trung kiên bất khuất thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
Hơn 80 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Lê Hồng Phong đã anh hũng hy sinh, song hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
3. Phấn đấu học tập và noi gương đồng chí Lê hồng Phong
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong, chúng ta bồi hồi và xúc động ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của Đồng chí để học tập, phấn đấu theo gương của Đồng chí. Cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Học tập và noi gương đồng chí Lê Hồng Phong và các bậc cách mạng tiền bối khác, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, tích cực đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng và mọi biểu hiện tiêu cực khác; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từng bước xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.