Toán cực kì quan trọng và được ứng dụng nhiều trong đời sống thường ngày. Ở trường, đây cũng là môn học chính khóa sẽ theo các em từ lớp 1 đến 12. Tuy nhiên, không ít học sinh lại tỏ ra căng thẳng, chán nản khi nhắc đến môn Toán khiến cho kết quả học tập chưa cao. Đặc biệt là trong kỳ thi quan trong sắp tới, kỳ thi THPT QG, nhiều em muốn thi vào trường mình thích nhưng không dám vì lo điểm thấp, sợ không đỗ.
Sau đây, các thầy cô trong nhóm Toán, chia sẻ với các bạn một bí kíp để đạt kết quả cao trong kỳ thi. Các bạn cần trả lời được các câu hỏi sau: 1. Học như thế nào? 2. Ôn tập ra sao? 3. Cách làm bài thi đạt hiệu quả? 4. Những sai sót thường gặp là gì?
1. Học như thế nào?
100% trắc nghiệm, làm thế nào để có chiến thuật giải nhanh, ngắn gọn và chính xác. Muốn vậy, mỗi bài học các em cần lưu ý:
- Tập trung nghe giảng trên lớp để hiểu cặn kẽ kiến thức bài học.
- Làm sơ đồ tư duy những công thức và kiến thức có trong từng chương để ko bị lẫn các công thức, râu ông nọ ko cắm cằm bà kia.
- Dùng các kỹ thuật sau để làm bài trắc nghiệm: dùng cách loại trừ dần các đáp án sai, dùng phương pháp thử đáp án, thông thường những câu VD kết hợp biến đổi tự luận và kiểm tra đáp án, làm trực tiếp như tự luận, ...
- Cố gắng luyện tập sử dụng thành thạo máy tính Casio.
- Bài toán VDC thực chất là các bạn bóc tách nó ra thành nhiều bài toán nhỏ. Vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học để xử lý nó.
2. Ôn tập ra sao?
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2022, nội dung kiến thức trải rộng từ lớp 11 đến lớp 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu.
Tất cả có 10 chủ đề để ôn tập, cụ thể:
- Lớp 11 gồm 3 chủ đề có khoảng 5 câu : Tổ hợp - Xác suất; Dãy số - Cấp số; Quan hệ vuông góc trong KG.
- Lớp 12 gồm 7 chủ đề tương ứng với 7 chương trong SGK có khoảng 45 câu .
Chúng ta chia thành 2 giai đoạn: Ôn tập theo chủ đề và sau đó luyện đề
Giai đoạn ôn tập theo từng chủ đề, Mỗi chủ đề cần hệ thống lại những kiến thức cơ bản, những dạng toán thường gặp, những công thức tính nhanh dễ nhớ.
Giai đoạn luyện đề tổng hợp theo đúng thời gian cho phép 90’. Qua giải đề các em sẽ rèn luyện được nhiều với các dạng câu hỏi có cấu trúc tương tự đề thi minh họa và cách phân phối thời gian làm bài hợp lý để không lúng khi làm bài thi.
Đặc biệt chú ý: khi giải xong một đề luôn phải rút ra được những điểm cần lưu ý cho mình nhằm giúp giải những đề sau tốt hơn.
3. Cách làm bài thi đạt hiệu quả?
Các em nên chia đề thi gồm 50 câu thành 3 phần và làm bài theo các bước sau:
Bước 1: Làm những câu cơ bản (ở mức nhận biết, thông hiểu). Đề thi thường cho từ dễ đến khó nên các em cần làm tốt 35 câu đầu, thời gian làm mỗi câu ở phần này thường khoảng 1-2 phút. Có nhiều câu thậm chí ta đọc đề ta chọn đc ngay. Vậy mất khoảng 40’ đầu. Sau đó, các bạn kiểm tra thật cẩn thận lại một lượt nữa rồi mới làm phần tiếp.
Bước 2: Làm những câu vận dụng thấp có khoảng 10 câu, thời gian làm mỗi câu ở phần này khoảng 2 - 3 phút. Vậy mất khoảng 25’.
Bước 3: Làm các câu hỏi khó - cực khó (vận dụng cao) có khoảng 5 câu, thời gian làm bài khoảng 3-5 phút. Phần này chỉ những em học sinh giỏi mới có thể giải được. Vậy mất khoảng 20’.
Không được bỏ câu nào, nếu ở một câu hỏi nào đó không chọn được chính xác phương án đúng, các em có thể chọn ngẫu nhiên một phương án.
Chú ý vận dụng linh hoạt những kỹ thuật làm bài trắc nghiệm cô đã nhắc ở trên như loại trừ dần đáp án, thử đáp án, biến đổi tự luận kết hợp thử các đáp án, làm tự luận,…
4. Những sai sót thường gặp là gì?
Có 4 sai sót mà chúng ta hay gặp:
- Tô sai số báo danh và mã đề: cần cẩn thận khi tô số báo danh của mình và tô đúng mã đề thi của mình vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
- Tô đáp án bị lệch dòng.
- Làm trắc nghiệm mà làm như tự luận. Đây là một sai lầm, vì vậy cần xác định hướng xử lý trước khi bắt tay vào giải.
- Đọc không kỹ câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi kiểu "Mệnh đề nào sau đây Sai?" dẫn đến chọn sai đáp án.
Trên đây là những cốt lõi nhất cho việc ôn thi môn Toán hiệu quả mà các thầy cô muốn gửi gắm đến các bạn K04 khóa học 2019 – 2022 của trường THPT Bạch Đằng. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt ước mơ!