Hiệu quả từ những việc làm thiết thực của Trường THPT Bạch Đằng trong việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
Nhằm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay, mỗi học sinh phải tự trang bị cho mình những sự hiểu biết nhất định về Luật an toàn giao thông, để từ đó biết cách vận động người thân, gia đình, bạn bè…và nhắc nhở chính bản thân mình luôn chấp hành nghiêm túc Luật an giao thông nhằm xây dựng văn hóa giao thông trong học đường.
Hiện nay, an toan giao thông luôn là vấn đề được quan tâm của toàn xã hội. Lứa tuổi thanh niên hiện nay trong đó phần lớn là học sinh trung học luôn muốn khẳng định bản thân, luôn muốn có cảm giác khác lạ, táo bạo mà không nghĩ đến hậu quả khôn lường. Tình trạng vi phạm an toàn giao thông như: lạng lách, đánh võng, đua xe, chở quá số người quy định, điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, chạy quá tốc độ cho phép…thực sự đã trở thành mối lo và rất nguy hại cho nhiều người. Một số các bậc phụ huynh chưa thật sự sát sao triệt để trong việc giúp con, em họ có nhận thức và hành vi đúng dắn khi tham gia giao thông.
Để giảm thiểu vấn đề vi phạm an toàn giao thông trong học sinh, môi trường nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền Luật an toàn giao thông. Sau đây là một số những hoạt động thiết thực của nhà trường THPT Bạch Đằng:
- Đầu năm học, trường THPT Bạch Đằng thường xuyên tổ chức các diễn đàn mời Cảnh sát giao thông đồng thời tổ chức các cuộc thi, các buổi ngoại khóa, nhằm tuyên truyền luật an toàn giao thông tới từng học sinh.
- Đoàn thanh niên nhà trường cũng đã phát động nhiều phong trào với các thiết kế các pano, áp phích, băng rôn, biển báo…trong nhà trường phù hợp nhằm cung cấp những hình ảnh trực quan, sinh động, mang tính giáo dục cao về an toàn giao thông. Không chỉ vậy, BCH đoàn thanh niên xây dựng đội Thanh niên tự quản và đội Thanh niên xung kích hoạt động mỗi ngày vào các giờ cao điểm: lúc học sinh đến trường và khi tan học…
- Tổ chức các cuộc thi, các bài viết chuyên đề về an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai cho cả giáo viên và học sinh các khối lớp tham gia.
- Tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện pháp luật trật tự an toàn giao thông.
- Tổ chức thông tin hàng ngày các HS vi phạm giao thông trên bảng tin, loa phát thanh học đường của câu lạc bộ phát thanh và truyền thông của nhà trường.
- Ngoài ra, nhà trường thường xuyên biểu dương kịp thời những tấm gương học sinh đã có những ứng xử đẹp khi tham gia giao thông. Các thầy cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở, góp ý tới từng học sinh. Bên cạnh đó, việc tổ chức cho học sinh xem những hình ảnh về các lỗi vi phạm, về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông cũng có thể có sức tác động mạnh mẽ hơn nhiều buổi tuyên truyền, kêu gọi khô khan, đơn điệu.
- Những việc làm trên có những tác động quan trọng trong việc giáo dục nề nếp, tác phong, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT mà còn nhằm xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh là việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa sâu rộng. Bởi lẽ học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, của mỗi gia đình. Giáo dục ý thức văn hóa giao thông cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ tạo dựng cho đất nước những thế hệ có ý thức chấp hành tốt luật an toàn giao thông. Điều này cũng có nghĩa là các em sẽ có sự tác động ngược trở lại, có sự phản chiếu rất tích cực, hiệu quả đối với người thân trong gia đình các em. Có như vậy, tham gia giao thông mới thật sự là nét văn hóa đẹp, bền vững trong mỗi người.