1. Phương pháp đóng vai trong dạy học môn Ngữ văn
Trong các phương pháp dạy học tích cực, đóng vai là phương pháp phù hợp với đặc trưng dạy - học của môn Ngữ văn. Đây là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành để trình bày những suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử theo một vai giả định. Từ đó giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách đứng từ chỗ đứng, góc nhìn của người trong cuộc, tập trung vào một sự kiện cụ thể mà các em quan sát được từ vai của mình.
Phương pháp đóng vai được thực hiện trong một số nội dung học tập sau: vào vai một nhân vật kể lại câu chuyện đã học, chuyển thể một văn bản văn học thành một kịch bản sân khấu, xử lý một tình huống giao tiếp giả định, trình bày một vấn đề, một ý kiến từ các góc nhìn khác nhau…
Một số yêu cầu khi đóng vai:
+ Tình huống đóng vai phải phù hợp với chủ đề giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, trình độ học sinh và điều kiện lớp học.
+ Tinh huống nên để mở, có thể không cho trước kịch bản để học sinh tự sáng tạo.
+ Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai.
+ Ngươi đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong tình huống của bài tập đóng vai để không lạc đề.
+ Nên khích lệ cả học sinh nhút nhát cùng tham gia.
+ Nên có hóa trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của việc đóng vai (nếu có điều kiện).
Tuy nhiên, đóng vai không phải là sự chuyển hóa một cách tuyệt đối, học sinh có thể mang vào đó những cách cảm, cách nghĩ, cách ứng xử của riêng mình trên cơ sở tôn trọng ý nghĩa khách quan của tác phẩm và ý đồ chủ quan của nhà văn. Đây chính là tiền đề để học sinh phát huy được khả năng “đồng sáng tạo” của mình.
2. Quy trình vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Ngữ văn
2. 1. Bước 1: Giao nhiệm vụ chuẩn bị bài mới
- Giáo viên chia nhóm, gợi ý một số nội dung/chủ đề cần đóng vai. Trong đó quy định rõ thời gian chuẩn bị và thời gian đóng vai cho các nhóm. Giáo viên có thể chia nhóm dựa trên năng lực, sở thích của học sinh.
- Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai: phân vai, dàn cảnh, học lời thoại, cách thể hiện nhân vật, diễn thử…
2.2. Bước 2 : Học sinh trình bày sản phẩm – thảo luận
- HS trình bày sản phẩm nhóm.
- Giáo viên định hướng học sinh thảo luận về những nội dung trọng tâm của bài học được đặt ra từ các sản phẩm.
- Học sinh thảo luận, nhận xét, đánh giá.
2. 3. Bước 3: Chốt kiến thức: GV chốt kiến thức, hướng dẫn học sinh tổng hợp và khái quát những vấn đề trọng tâm từ của bài học.
3. Đánh giá hiệu quả và đề xuất
3.1. Ưu điểm
Qua quá trình vận dụng phương pháp đóng vai vào dạy học môn Ngữ văn, chúng tôi nhận thấy được những tín hiệu tích cực từ phía học sinh:
- Học sinh được đồng sáng tạo với các tác giả, có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm, lối sống của các nhân vật. Từ đó có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, mới mẻ hơn về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
- Học sinh được quyền nêu cảm xúc, bày tỏ thái độ, quan điểm riêng của bản thân từ góc nhìn của người trẻ ở thời hiện đại.
- Học sinh có cơ hội khai phá và phát huy những năng khiếu mà có thể bản thân chưa hiểu hết: viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, thiết kế trang phục, đạo cụ; góp phần hình thành một số năng lực cho học sinh: hợp tác, sáng tạo, cảm thụ thẩm mĩ, sử dụng tiếng Việt…
- Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo hướng tích cực. Học sinh qua việc trải nghiệm sẽ rút ra những thông điệp va giá trị sống có ý nghĩa.
- Tạo không khí sôi nổi, sự hứng thú trong các tiết học.
3.2. Hạn chế:
- Phương pháp này đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo, công phu , học sinh cần dành nhiều thời gian và đầu tư trang phục để có thể cho ra những sản phẩm chất lượng.
- Một số học sinh còn hạn chế về năng khiếu diễn xuất, chưa thực sự tự tin khi đứng trước đám đông.
* Hình ảnh minh họa (kèm theo)
( Hs đóng vai Bê li cốp trong giờ học “ Người trong bao “ )