“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Khi dạy bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương trong chương trình Ngữ văn lớp 11, hầu như tất cả mọi người đều đứng trên quan điểm của Tú Xương – chủ thể của tác phẩm để cho rằng “Đây là lời của ông Tú”, thay bà Tú buông tiếng chửi “thói đời” bạc bẽo và tự nhận mình là người chồng vô tích sự “có như không” của bà Tú. Vì vậy hai câu thơ cuối thấm đẫm chất “thế sự” và trào lộng. Ông Tú thương vợ lên mới bênh vực bà Tú, mới thấy bất công thay cho bà Tú.
Theo tôi,ngoài cách hiểu trên, hai câu cuối còn có thể là lời của Bà Tú. Bà Tú không chỉ tảo tần vất vả, đảm đang tháo vát “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ 5 con với 1 chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông” không chỉ giàu đức hi sinh “ Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm năng mười mưa dám quản công” mà còn rất thấu hiểu thói đời
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Vốn xuất thân “ Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ/Tiếng có miếng không gặp chăng hay chớ” (Văn tế sống vợ - Tú Xương), bà Tú được học hành đến nơi đến chốn. Bà hiểu bổn phận của người phụ nữ trong gia đình là luôn nhẫn nhịn, giàu đức hi sinh là phải lo toan cáng đáng gánh cho gia đình và bà càng thấu hiểu thói đời xưa nay vốn thường bạc bẽo và bất công với người phụ nữ. Sinh ra là phận nữ nhi thì phải chịu nhiều thiệt thòi, và luôn nhẫn nhịn. Bà Tú cũng hiểu người phụ nữ khi đi lấy chồng thời ấy ngoài làm vợ còn phải làm mẹ, làm chị, làm con sen kẻ ở… lo toan vất vả và chịu đau đớn “ Đau đớn thay phận đàn bà. Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Thói đời xưa nay là vậy, biết kêu ai. Thấu hiểu thói đời và lên tiếng oán thán mà không chịu câm nín cũng là nét đẹp riêng, cá tính sắc sảo của bà Tú. Nếu chỉ đảm đang, tảo tần và giàu đức hi sinh thôi thì bà Tú sẽ lẫn vào số đông những người phụ nữ Việt Nam. Hiểu vậy, ta càng thấy trân trọng bà Tú và thấy sự thấu hiểu tận cùng của ông Tú dành cho bà
Có người cho rằng nếu hiểu bà Tú buông tiếng chửi “thói đời” và oán thán “có chồng cũng như không” là vi phạm với hình ảnh của bà Tú giàu đức hi sinh, nhẫn nhịn qua những câu thơ trên. Nhưng với 1 người phụ nữ đã phải quăng mình vào chốn chợ đời để buôn bán quanh năm nơi mom sông, đã phải bon chen “eo sèo” chốn chợ búa thì ngôn ngữ có chua chát, chỏng lỏn của phường buôn thúng bán mẹt cũng là điều dễ hiểu. Lại sống phải thời kì “Tây Tàu lố lăng”, đồng thau lẫn lộn, những giá trị truyền thống văn hoá bị đảo lộn; bà phải vật lộn kiếm ăn để nuôi đủ 5 con với 1 chồng thì tính cách “yểu điệu thục nữ” liệu có còn giữ nguyên được chăng? Có đúng thực giọng điệu của kiểu “Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ 1 bệnh hay gàn hay dở”- bà Tú mà ông Tú từng nhắc trong “Văn tế sống vợ” ấy chăng? Thơ của Tú Xương vừa hiện thực vừa trữ tình. Chất hiện thực về bà Tú toát lên từ công việc, địa điểm, thời gian, cuộc sống, phẩm chất lẫn tính cách là thế.
Trong quá trình định hướng cho hs tiếp nhận hai câu cuối của bài thơ Thương vợ, GV có thể cho hs thực hiện thảo luận nhóm. Hai câu cuối là lời của ông Tú hay lời bà Tú? Lí giải. HS thảo luận và đưa ra ý kiến. GV định hướng 2 cách tiếp nhận trên để học trò tiếp tục “đồng sáng tạo” với nhà thơ.
Tiếp nhận văn học là quá trình mở và chưa bao giờ là kết thúc. Một tác phẩm đặc sắc luôn vượt qua “mọi sự băng hoại của thời gian” để khẳng định tính mới, tính sống của nó. Bạn đọc sẽ có cơ hội đồng sáng tạo với nhà văn, nhà thơ trong quá trình tiếp nhận văn học.
( Nhân dịp đọc đề bài “ Cảm nhận hình tượng bà Tú qua bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương”)
Hải Phòng, 6/11/2022
GV: Lê Thị Nhung. Trường THPT Bạch Đằng