Đề 1
I.ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau :
VÀI BA TRĂNG KHUYẾT
Không cần nhìn em thêm lần nữa thì cũng nhận ra em bị thiểu năng trí tuệ. Người mang dị tật này thường có dáng dấp, gương mặt với mắt này mũi này… giống hệt nhau. Tròn lẳn, bầu bĩnh, phúng phính nhưng làm người ta nhói đau khi va ánh mắt vào. Em nuôi bệnh ở giường bốn mươi tám, tôi ra vào với má ở giường năm mươi hai. Những buổi sáng khi mười mấy con người ở phòng này nhao nháo rối bời với việc tắm giặt, chải chuốt, ăn uống, thì em bò ra chùi rửa, quét dọn khoảng hành lang, mấy cái phòng vệ sinh nhớp nháp. Chúng tôi không nhúng tay vào vì biết đó là phần việc của mấy chị lao công bệnh viện, chút nữa họ sẽ làm, họ nhận lương để làm những chuyện này.
Nhưng cô bé, với trí khôn khiếm khuyết của mình, não em thiếu mất vùng mang tên đùn đẩy, chờ đợi. Em làm vì thấy nơi này bẩn thỉu quá. Người khôn không vậy, họ thà chịu khó nín thở, bịt mũi, nhón dép lên những cái vũng chèm nhẹp… để chờ đợi. Ngay cả dì em, người đang sưng húp vì mang quả thận hư khá nặng, chị cũng cằn nhằn con nhỏ đi làm chuyện tào lao, ai kêu?
Phải em làm vì ai đó sai bảo thì em đã không đẹp đến vậy, không làm tôi mắc cỡ, tần ngần những khi nhìn em quét lau loẹt xoẹt, thấy mình giảm chiều cao chắc còn cỡ một thước hai, nhưng tôi là con người toàn vẹn, hiểu biết, đọc nhiều sách, nên tôi vẫn ngồi trơ trơ vảnh móng tay. Bù lại, tôi hay rủ em ra ngoài dúi cho khi hộp sữa tươi, khi cái bánh bông lan... Mừng rỡ nhận quà nhưng em dáo dác ngó vào trong, “dì chửi chết…”. Người phụ nữ đó không biết vì bệnh tật làm cho bứt rứt đau đớn hay do nỗi bực dọc gì mà rầy la em suốt ngày. Nhưng suốt ngày em chỉ toe miệng ra cười, lăng xăng đấm bóp, đi mua cơm, giặt giũ quần áo… Có lần tôi nói giỡn, “em với dì giống hệt nhau, y như hai mẹ con vậy…”. Em hạ giọng thầm thì, vẻ như sắp trao cho tôi một bí mật lớn lao, “mẹ em đó, em giả bộ kêu dì Chín để mẹ khỏi mắc cỡ, tại đẻ ra em khùng khùng…”. Xế trưa, tôi bỗng nhìn thấy một mảnh trăng đầu mùa, khuyết còng, mỏng tang gần như trong suốt treo diệu vợi giữa trời, ngó nao lòng lắm, không thể nói ra lời. Không biết vì đẹp hay vì buồn.
Như món canh tạo hóa nấu lạt, cô bé chỉ thiếu một chút thôi là lành lặn kiếp người. Bất chấp điều đó, em vẫn đẹp theo kiểu của mình. Đẹp vì hao khuyết. Đẹp mà không biết.
….
(Trích “Vài ba trăng khuyết” – Tản văn Yêu người ngóng núi của Nguyễn Ngọc Tư, trang 156 -157, NXB Trẻ)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng kết hợp trong đoạn trích?
Câu 2 (0,5 điểm). Trong văn bản, theo lời kể của tác giả, “em” – cô bé có điểm gì khác thường?
Câu 3 (1,0 điểm).Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ trong câu văn “Những buổi sáng khi mười mấy con người ở phòng này nhao nháo rối bời với việc tắm giặt, chải chuốt, ăn uống, thì em bò ra chùi rửa, quét dọn khoảng hành lang, mấy cái phòng vệ sinh nhớp nháp”
Câu 4. (1,0 điểm). Theo anh/ chị, tác giả muốn khẳng định điều gì qua câu văn: “cô bé chỉ thiếu một chút thôi là lành lặn kiếp người. Bất chấp điều đó, em vẫn đẹp theo kiểu của mình. Đẹp vì hao khuyết. Đẹp mà không biết.”
Câu 5. (1,0 điểm). Nêu thông điệp tâm đắc nhất anh/chị rút ra sau khi đọc văn bản?
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) nhận xét tác dụng của việc kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản ở phần đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày quan điểm của anh/chị về Tuổi trẻ và sự sáng tạo.
Đề 2
I.ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
(Lược đoạn đầu: Hắn vốn là một người đàn ông nghiện rượu, thường xuyên đến quán uống chịu nhiều lần. Vào một buổi sáng lành lạnh, hắn đột nhiên nghĩ đến hai thứ: rượu và thịt chó, nhưng hắn không dám đi ăn chịu thêm lần nữa vì sợ bị người ta chửi cho mà nhục. Hắn quyết định mang con chó nhà mình ra làm thịt trong sự háo hức của những đứa con vì chúng tưởng sẽ được một bữa ăn ngon. Khi nồi thịt chó chín, đàn con bị đuổi xuống bếp với cái bụng đói, ở trên nhà, bố và ba ông khách ăn, uống, tranh nhau nói và cười rung cả mái nhà).
Người mẹ rất còm cõi và bốn đứa con gầy ốm, quây quần với nhau trong xó bếp. Trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới cái ách một ông bạo chúa.
Thấy lũ con đứa nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó, người mẹ thương đứt ruột. Thị biết rằng chúng đói. Khi người ta đã đói mà lại ngửi thấy mùi thịt chó, thì bụng càng đói thêm. Thế mà bữa rượu của người bố với ba ông khách cứ kéo dài mãi. Nghĩ mà bực quá! Cái thể không chết được, chứ giá chết được thì thị chỉ thắt cổ mà chết đi cho rồi…
Thị dỗ con:
- Cố mà nhịn lúc nữa, các con ạ: Đợi trên nhà ăn xong, còn thừa thì ta ăn […]
Thằng cu Con ra hiệu đình công trước. Nó lăn vào lòng mẹ, oằn oại vừa hụ hị kêu:
- Đói!… Bu ơi! Đói…
Tức khắc những đứa kia cũng nhớ ra rằng chúng đói. Chúng không bắt chấy cho mẹ nữa. Chúng thở dài. Chúng nuốt bọt nhem nhép. Chúng thừ mặt ra. Chúng nằm ẹp xuống đất và lật áo lên để khoe cái bụng. Bụng đứa nào cũng gần dính lưng.
Mắt thị rơm rớm nước. Cũng may, tiếng người bố trên nhà gọi:
- Cái Gái đâu! Dẹp mâm đi, này!
Bốn đứa trẻ cùng nhỏm dậy: mặt chúng đột nhiên tươi tỉnh lại. Gái “vâng” một tiếng thật to và chạy lên. Cu Nhớn, cu Nhỡ ngồi chồm chỗm đợi… Một lát sau, Gái bê mâm xuống. Nó cũng nâng lên ngang mặt như cha lúc nãy. Các em nó đứng cả lên, chực đu lấy cái mâm. Nó càng nâng cao hơn, mồm thét:
- Khoan! Khoan! Kẻo vỡ…
Cu Nhớn thét:
- Thì bỏ xuống!
Gái vênh mặt lên, trêu nó:
- Không bỏ. Không cho chúng mày ăn.
- Có sợ thành tật không?
- Không cho ăn thật đấy.
Cu Nhỡ sốt ruột, khoặm mặt lại, vằng nhau với chị:
- Làm trò mãi! Có bỏ xuống đây không nào?
Gái hạ nhanh mâm xuống đất, bảo:
- Này, ăn đi.
Nó ngẩng mặt nhìn các em, cười the thé. Người mẹ xịu ngay xuống. Trong mâm, chỉ còn bát không. Thằng cu Con khóc oà lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc. Cái Gái và cu Nhớn, cu Nhỡ cũng khóc theo.
(Trích “ Trẻ con không được ăn thịt chó – Nam Cao)
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể truyện
Câu 2.Chỉ ra một số từ ngữ thể hiện thái độ, cảm xúc của Cu Nhỡ và cái Gái trong đoạn hội thoại sau:
“Cu Nhớn thét:
- Thì bỏ xuống!
Gái vênh mặt lên, trêu nó:
- Không bỏ. Không cho chúng mày ăn.
- Có sợ thành tật không?
- Không cho ăn thật đấy.
Cu Nhỡ sốt ruột, khoặm mặt lại, vằng nhau với chị:
- Làm trò mãi! Có bỏ xuống đây không nào?”
Câu 3. Nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu văn sau:Trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới cái ách một ông bạo chúa.
Câu 4: Nhận xét về thái độ, cảm xúc của tác giả thể hiện qua giọng kể chuyện.
Câu 5. Chi tiết tiếng khóc của 5 mẹ con ở cuối truyện gợi cho em suy nghĩ gì về cuộc sống hôm nay?
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về Ý nghĩa của sự sẻ chia trong cuộc sống
Câu 2. Viết bài văn (khoảng 600 chữ) đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn văn phần đọc hiểu
Đề 3
I.ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:
( Lược một đoạn: Nhà tư sản cùng ông khách đi săn về, theo sau là con Lu – giống chó Béc giê Đức. Nhà Tư sản giàu có khoe với ông khách mua con chó của người Tây hết hơn 370 đồng, ưa sạch sẽ và khôn lắm, đi săn giỏi, trông nhà giỏi, tìm đồ đánh rơi tài. Ông chủ còn huấn luyện được cho nó thói lễ phép, để bát cơm trước mặt nó, chưa cho ăn thì nó không dám ăn. Để chứng minh với khách điều vừa nói, ông chủ mang bát cơm có thịt ra để trước mặt con Lu)
“Ông chủ cầm đĩa đồ ăn của con chó, mang ra sân đằng trước. Khách và con vật đi theo sau.
Con Lu vẫy đuôi, ra dáng mừng rỡ. Ông chủ để đĩa cơm ở giữa sân. Con Lu cúi cổ xuống ngửi. Nó sắp ăn, thì chủ nó mắng ngay bằng tiếng tây:
- Tăng xông! (Liệu hồn)
Thấy không được phụng dưỡng tử tế như mọi khi, con Lu từ từ lui ra.
Ta không cần phải coi. Lúc ta ăn xong, mà đĩa này nó vẫn không dám đụng đến đâu. Thôi, mời bác vào xơi cơm.
Lúc bấy giờ, giá ông chủ có ý một tí, thì chắc đã thấy một vật gì đen đen, lù lù ở ngay ngoài cổng. Đó là một người ăn mày, ngồi bó giò ở đấy. Người ấy đội cái nón toạc tung cả cạp, đã đóng khố, lại mặc cái áo rách cụt cả tay. Thành ra bốn chân tay khẳng khiu, đen thui thủi, dài ngoằng ngoẵng. Cái bị bẹp há hốc miệng, nằm chờ bên cạnh cái dạ dày lép kẹp.
Người ăn mày chờ đấy từ lâu. Thấy trong nhà lạch cạch tiếng đũa bát, mùi đồ xào theo chiều gió đưa ra, hắn gào lên xin, mà cũng chẳng có ai nghe tiếng. Lúc hai người ra sân, hắn lạy van rã bọt mép. Nhưng hai ông còn đương dở bận chơi với chó, không ai để ý đến người.
Người ăn mày biết thế, nên lại cố lấy sức để gào to. Nhưng cái tiếng hết hơi của hắn đập đến màng tai ông chủ, thì ông chủ trợn mắt, hầm hầm quát:
- Làm gì mà léo nhéo lên thế? Làm át cả câu chuyện của người ta! Bước ngay! Không ông đá cho một cái thì chết bây giờ!
Thằng khốn nạn im thin thít. Chủ khách bèn vào buồng ăn cơm.
Lúc ấy, hai con mắt người ăn xin chòng chọc nhìn vào đĩa cơm của con chó. Hắn thèm quá. Nước dãi chảy ròng ròng, không nuốt kịp. Muốn vào ăn trộm một miếng, nhưng chỉ sợ con chó cắn cho một miếng thì chết! Hắn thấy con chó cứ đứng gần đĩa cơm mà không ăn, thì không hiểu ra làm sao. Hắn tưởng con chó chê cơm nhạt, không thèm ăn, thì hắn muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giàu! Giá con chó biết tiếng người, hẳn hắn đã lân la đến gần để đánh bạn, rồi kể lể nỗi đói khát, có lẽ, chỗ anh em, con chó cũng động tâm mà lấy tình "nhân đạo" nhường cho hắn đĩa cơm ấy. Hay là vì hắn xù xù ngồi đó, cho nên con chó phải đứng canh chăng? Hắn liền lẩn ra sau cái cột cổng để dòm vào. Một lúc, quả hắn thấy con chó lừ lừ ra nằm chỗ khuất bóng ở cạnh tường.
Được dịp may, người ăn mày đánh liều dồ ra, tiến gần lại mấy bước. Nhưng con chó lập tức đứng dậy, cũng tiến gần lại mấy bước, vừa đi vừa gừ. Thằng người giương hai mắt nhìn con chó, con chó cũng giương hai mắt nhìn lại thằng người. Thành ra đĩa cơm ở giữa, người tiến thì chó cũng tiến, người lui thì chó cũng lui. Hai bên hầm hè nhau, người lườm chó, chó lườm người đều cùng giữ miếng nhau, như hai kẻ thù không đội trời chung vậy.
Cứ như thế, không bên nào chịu bên nào. Độ hơn mười phút, người ăn mày cùng thế, nghĩ ngay được một kế. Tay hắn vớ được hòn đá to tướng, thu thu đằng sau, chạy tọt lại đĩa cơm, rón một miếng rõ nhanh, đút tỏm vào mồm.
Nhưng con chó nhanh hơn. Nó cũng chồm vọt lại, nhẩy xổ lên, há mồm, nhe răng ra cắn. Người ăn mày giơ thẳng cánh tay, nhằm giữa mồm con chó, uỵch hòn đá một cái rõ mạnh. Con chó ẳng lên một tiếng, rồi nhanh như chớp, nó vật được kẻ thù xuống đất, giơ hai chân ra cào mặt và móc mồm. Nhưng nó bị ngay một cái đấm nữa vào đầu. Nó chịu buông thằng người ra, nằm sóng soài, ẳng rầm lên.
Ông chủ đương ăn cơm, nghe tiếng chó kêu, vội bỏ cả bát đũa, lẫn vợ, lẫn khách, ông cầm đèn hấp tấp chạy ra:
- Thôi chết rồi! Con Lu làm sao thế này! Ối giời ơi! Nó gãy hai cái răng rồi! Khổ tôi quá!
Thế rồi thét người nhà váng lên, ông bế con Lu vào.
Còn mình thì chạy ra cổng xem ai đánh chó. Bỗng ông trông thấy ở đằng xa, có cái bóng đen đen, chạy nhanh tít, ông bèn bấm đèn ôtô để chiếu theo, thì trông rõ người ăn mày ban nãy đương chạy.
- À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!
Nói đoạn, ông tắt đèn pha, phóng xe hết sức nhanh để đuổi theo...
(Trích “Răng con chó của nhà Tư sản” – Nguyễn Công Hoan)
Câu 1. Ngôi kể của người kể truyện.
Câu 2. Xác định các loại điểm nhìn trong đoạn văn bản trên
Câu 3. Nêu nội dung chính của văn bản.
Câu 4. Anh/ chị suy nghĩ gì về lời của chủ nhà “- À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!”
Câu 5. Nhận xét về thái độ, cảm xúc của tác giả thể hiện qua lời của người kể truyện.
Câu 6. Những bài học rút ra từ văn bản?
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) suy nghĩ về Thói hống hách của con người
Câu 2. Viết bài văn (khoảng 600 chữ) đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn văn phần đọc hiểu.
Đề 4
I.ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
(Lược đoạn đầu: Đào quê ở Hưng Yên, cuộc sống của chị đã từng chịu nhiều bất hạnh khổ cực. Chị lên nông trường Điện Biên – vùng đất “chết” sau chiến tranh để xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước – để quên đi quá khứ đau buồn và có thể tìm được cuộc sống mới)
“Đào lên nông trường Điện Biên vào dịp đầu năm, ngoài Tết chừng nửa tháng, với tâm lý con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên đi cuộc đời đã qua, còn những ngày sắp tới ra sao chị không cần rõ, đại khái là chẳng hơn gì trước mấy, có thể còn gặp nhiều đau buồn hơn. Quân tử gian nan, hồng nhan vất vả, số kiếp đã định thế, trước sau vẫn chỉ một con đường ấy, không thể nào tránh được.
Chị quê ở Hưng Yên, nhà không có ruộng, vẫn làm nghề đậu phụ, thời địch tạm chiếm, lại xoay sang úp men, nấu rượu. Lấy chồng từ năm mười bẩy tuổi, nhưng chồng cờ bạc, nợ nần nhiều nên bỏ đi Nam đến đầu năm 1950 mới trở về quê. Ăn ở nhau được đứa con trai lên hai thì chồng chết. Cách mấy tháng sau đứa con lên sài bỏ đi để chị ở một mình. Từ ngày ấy chị không có gia đình nữa, đònh gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, khi ra Hòn Gay, Cẩm Phả lấy muồng, khi ngược Lào Cai buôn gà, vịt, mùa tu hú kêu sang đất Hà Nam buôn vải, tháng sáu lại về quê bẻ nhãn. Khi thì ở chợ Cuối Chắm, ở đò Tràng Thưa, khi lại về phố Rỗ, chợ Bì, chợ Bưởi. Mùa hè vài cái áo cánh nâu vá vai, mùa đông một chiếc áo bông đã bạc, ngày mưa, ngày nắng, bàn chân đã từng đi khắp mọi nơi không dừng lại một buổi nào.
Cũng có ngày đau ốm, nằm nhờ nhà người quen, bưng bát cơm nóng, nhìn ngọn đèn dầu lại sực nhớ tới trước đây mình cũng có một gia đình, có một đứa con, sớm lo việc sớm, tối lo viêc việc tối. Còn bây giờ bốn bể là nhà, chỉ lo cho bản thân mình sao được cơm ngày hai bữa, chân cứng đá mềm. Mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại, đỏ đi như chết, hàm răng phai không buồn nhuộm, soi gương thấy gò má càng cao, tàn hương nổi càng nhiều. Muốn về sống lại ở quê, nhưng quê hương nào còn có ai. Thôi đành cứ đi mãi, ngày khỏe đã vậy, ngày ốm chưa biết ra sao. Muốn chết nhưng đời còn dài nên phải sống.
Chị sống táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho thân mình. Chị về đội sản xuất số "6" chưa đầy một tháng đã quen khắp mặt, duy chỉ thân có mỗi Huân, vì tuy anh chưa từng trải bằng chị, nhưng lại tỏ ra rất thông cảm với cuộc dời của chị. Lần đầu tiên hai người quen nhau vào một buổi chị đi qua dãy nhà bộ đội thấy Huân đang hí hoáy pha màu vẽ cho tờ báo tường.
Chị đứng khuỳnh tay, ngắm nghía rồi khen: "Anh vẽ khéo nhỉ!" Huân nhìn chị cười: "Chị có bài thơ nào đưa lên báo không?" Câu nói ấy vừa nói cho vui, vừa hơi châm biếm. Chị gật đầu nhận lời ngay: "Được thôi, thế bao giờ đưa nộp?". Huân thầm nghĩ: "Cô này biết đùa đây", nhưng vẫn dặn thêm: "Phải là thơ hay đấy!" Chị trả lời ngang ngược: "à, chắc không đến nỗi dở lắm". Chị vốn biết chữ từ nhỏ, lại thuộc nhiều thơ cổ, các câu ca, hát ví xưa, khi nói chuyện chị cũng hay vận thành vần, ví von, nên chỉ có một buổi trưa chị đã làm xong bài thơ: "Đường lên nông trường Điện Biên".
Ai ngờ bài thơ lại hay, đưa lên báo có vài buổi đã nhiều người ngâm nga đọc thuộc. Anh em thấy một đôi bạn trái ngược nhau cả về hình thức lẫn tính nết liền đem họ ra gán ghép. Song chẳng qua đặt chuyện cho vui để trêu chọc chị thôi.Vì kể về tuổi thì năm nay chị đã hai mươi tám, còn nhìn ngoài mà so sánh thì tưởng chị phải hơn Huân cả chục tuổi. Hơn nữa Huân đã có người yêu và cặp ấy rất xứng đôi, còn chị là gái góa chồng không hy vọng gì được yêu một người con trai chưa từng có vợ. Nhưng mỗi buổi đi làm, cùng nhổ lạc ở một khoảnh, cùng đứng tuốt ở một máy, nhìn đôi cánh tay cuồn cuộn những thớ thịt cháy nắng đỏ rực của Huân thoang thoáng bên cạnh, chị lại bừng bừng nghĩ tới một cảnh gia đình hạnh phúc, lại hy vọng cuộc đời của mình chưa phải đã tắt hẳn, một cái gì đó chưa rõ nét lắm nhưng đầm ấm hơn, tươi sáng hơn những ngày đã qua cứ lấp ló ở phía trước. Có thể đấy là cuộc đời còn lại của chị chăng?
(….Lược đoạn )
***
Chợt có tiếng chân giẫm sào sạo lên đống vỏ lạc ở phía sau, Huân giật mình ngừng thổi, quay lại. Từ mé trái của nhà kho nhô ra một bóng người thấp lùn mặc cái áo cánh trắng hớt vạt ra phía trước. Ai nhỉ? Bóng người tiến lại phía anh: Đào. Anh định nhảy xuống nhưng rồi cứ bối rối tự hỏi: "Chị này ra đây làm gì? Định gặp mình hay sao?". Đào đã đứng trước mặt anh, hỏi nhỏ:
- Anh thổi tiêu đấy ư, em thích nghe lắm đấy nhé!
Chắc vì tiếng tiêu nên chị mới biết ra đến đây, hỏi gì ỡm ờ thế, lại xưng em, cô này bắt đầu thiếu đứng đắn rồi. Đào đã đứng tựa người vào cột bương, cả thân người trên bị mái gianh che tối, tiếng nói dịu đi như một hơi thở:
- Anh Huân ạ, em muốn tâm sự với anh một câu chuyện.
Huân hầu như không nghe thấy gì, anh luống cuống vì nỗi lo: "Có người ra bắt gặp thì cả đôi tình ngay lý gian. Liệu mà về thôi !". Nhưng anh vẫn ngồi im. Tiếng của Đào lại phảng phất tới:
- Anh biết anh Dịu chứ?
- Ông thiếu úy lò gạch ấy à. Có biết. Sao?
Giọng nói của Đào càng rụt rè, khác hẳn với cách nói sống sượng thường ngày.
- Anh ấy viết thư cho em, định xây dựng gia đình với em, em khó nghĩ quá... Anh thấy anh Dịu là người thế nào?
à, ra là một câu chuyện khác. Anh là người đầu tiên được Đào thổ lộ cái tin vui ấy. Anh phải có trách nhiệm với sự tin cạy của người bạn gái. Nhưng biết trả lời ra sao?
Đào đứng nhích thêm về phía Huân, chị vắt một tay lên sạp nứa, hơi thở dồn dập dưới cái áo cánh trắng còn thoảng mùi khét của xà phòng
- Em xem ra anh ấy cũng là người thành thật, còn con anh ấy thì mình qúy nó tất nó phải qúy mình. Chẳng ai ở vậy được suốt đời, chẳng ai muốn đi vất vưởng mãi, ai cũng muốn có một quê hương. Em nghĩ mãi rồi anh ạ, em định không về dưới xuôi nữa, em ở mãi đây với các anh. Anh nghĩ xem có được không?
Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ra ác liệt nhất. Ở đây trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này, và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.”
(Trích “Mùa lạc – Nguyễn Khải)
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể truyện
Câu 2. Xác định điểm nhìn qua ngôi kể của người kể truyện
Câu 3. Xác đinh phương thức biểu đạt chính
Câu 4. Nêu nội dung chính của văn bản trên.
Câu 5. Anh/chị hiểu gì về câu văn “Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ra ác liệt nhất”.
Câu 6. Nhận xét về 1 phẩm chất của nhân vật Đào trong đoạn trích
Câu 7. Nhận xét về thái độ, cảm xúc của tác giả đối với nhân vật Đào trong văn bản
Câu 8. Thông điệp sâu sắc nhất rút ra từ văn bản.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc đối mặt với những khó khăn gian khổ trong cuộc sống
Câu 2. Viết bài văn (khoảng 600 chữ) đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.
Đề 5.
I.ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
(Lược đoạn đầu : Độ là một nhà văn, trên đường tham gia chiến dịch, anh đến thăm Hoàng – người bạn văn xưa ở Hà Nội nay dời về nơi tản cư. Anh nông dân dẫn Độ đến cổng nhà anh Hoàng – ngôi nhà khang trng, sạch đẹp, nuôi con chó becgie to, sống cuộc sống no đủ, xa hoa. Trong cuộc trò truyện, Hoàng kể cho Độ nghe về những người nông dân ở quê)
“…Họ tàn nhẫn lắm cơ, bác ạ!
Anh Hoàng cười:
- Mà sao họ đã bận rộn nhiều đến thế mà vẫn còn thì giờ chú ý đến những người chung quanh nhiều đến thế? Anh chỉ giết một con gà ngày mai cả làng này đã biết. Này, anh mới đến chơi thế mà lúc nãy tôi đã thấy có người nấp nom rồi. Ngày mai thế nào chuyện anh đến chơi tôi cũng đã chạy khắp làng. Họ sẽ kể rất rạch ròi tên anh, tuổi anh, anh béo gầy thế nào, có bao nhiêu nốt ruồi ở mặt, có mấy lỗ rách ở ống quần bên trái.
Tôi mỉm cười, cắt nghĩa cho anh hiểu: lúc này họ cần để ý đến những người lạ mặt tới làng. Tôi chắc mấy người nấp nom tôi là mấy người có trách nhiệm trong uỷ ban mấy anh tự vệ.
- Lại còn các ông ủy ban với các bố tự vệ nữa mới chết người ta chứ! Họ vừa ngố vừa nhặng sị. Ðàn bà chửa mà đến nỗi cho là có lựu đạn giắt trong quần! Họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười lăm phút, thế mà động thấy ai đi qua là hỏi giấy. Anh đi, hỏi. Anh về, hỏi, hỏi nữa. Anh vừa ra khỏi làng, sực nhớ quên cái mũ, trở lại lấy, cũng hỏi rồi mới cho vào. Lát nữa anh ra, lại hỏi. Hình như họ cho cái việc hỏi giấy là thú lắm.
Anh cười gằn một tiếng, nhìn bao trùm cả người tôi, hỏi:
- Anh sống ở nhà quê nhiều, anh có hiểu tâm lý của họ không? Anh thử cắt nghĩa hộ tôi tại làm sao họ lại nhiêu khê đến thế?
Từ trước đến nay, tôi chỉ hoàn toàn ở Hà Nội, thành thử chỉ mới biết những người nhà quê qua những truyện ngắn của anh. Bây giờ gần họ, tôi quả là thấy không nhịn được. Không chịu được!
Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối. Vợ chồng anh thi nhau kể tội người nhà quê đủ thứ. Toàn là những người đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện cả. Cha con, anh em ruột cũng chẳng tốt với nhau. Các ông thanh niên, các bà phụ nữ mới bây giờ lại càng lố lăng. Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả dân tân chủ nữa mới khổ thiên hạ chứ! Họ mà tóm được ai thì có mà chạy lên trời! Thế nào họ cũng tuyên truyền cho hàng giờ. Có lẽ họ cho những người ở Hà Nội về như vợ chồng anh đều lạc hậu, chưa giác ngộ nên họ không bỏ lỡ một dịp nào để tuyên truyền vợ chồng anh. Mà tuyên truyền như thế nào!...
Anh trợn mắt bảo tôi:
- Tôi kể cho anh nghe chuyện này thế nào anh cũng cho là bịa. Nhưng tôi có bịa một tí nào, tôi chết. Một hôm, tôi đi chợ huyện chơi. Ở nhà đã hỏi đường cẩn thận rồi, nhưng đến một ngã ba, lại quên béng mất, không biết phải rẽ lối nào. Ðành đứng lại, chờ có người đi qua thì hỏi. Chờ mãi mới thấy một ông thanh niên nghễu nghện vác một bó tre đi tới. Tôi chào rồi hỏi: "Ði chợ huyện lối nào, ông làm ơn chỉ giúp tôi!" Anh ta trố mặt nhìn tôi chẳng rằng chẳng nói, như nhìn một giống người lạ mới từ Hoả tinh rơi xuống. Tôi biết hiệu, rút giấy đưa cho anh xem rồi lại hỏi. Bây giờ anh ta mới bảo: "Ông cứ đi lối này, đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về tay phải, đi một quãng lại rẽ về tay trái, qua một cách đồng, vào đường gạch làng Ngò, vòng qua đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa là đến chợ". Ðại khái thế, chứ không hoàn toàn đúng thế. Chỉ biết là nó lôi thôi rắc rối, nhiều bên phải bên trái quá, đến nỗi tôi không tài nào nhận được. Anh ta bày cho tôi một cách: đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ thì theo. Tôi cho là phải. Anh ta cười bảo: "Thôi thế chào ông. Cháu vô phép ông đi trước. Cháu vội lắm. Cháu phải vác ngay bó tre này lên Thượng để làm công tác phá hoại, cản cơ giới hoá tối tân của địch. Cuộc trường kỳ kháng chiến của ta phải chia làm ba giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, giai đoạn tổng phản công. Giai đoạn phòng ngự nghĩa là..." Anh ta cứ thế, đọc thuộc lòng cho tôi nghe cả một bài dài đến năm trang giấy.
Chị Hoàng cười rú lên. Tôi cũng cười, nhưng có lẽ cái cười chẳng được tươi cho lắm. Anh thấy cần phải thề lần nữa:
- Tôi có bịa thì tôi chết. Mà tôi lại thề với anh rằng lúc ấy tôi ngạc nhiên quá, không còn cười được, vả lại cũng không dám cười. Cười, nhỡ anh ta đánh cho thì tai hại. Nhưng từ hôm ấy ngày nào tôi cũng bắt nhà tôi đóng cổng suốt ngày không dám đi đâu nữa.
Tôi cười gượng. Ðiều muốn nói với anh, tôi đành giấu kín trong lòng không nói nữa. Tôi biết chẳng đời nào anh nhận làm một anh tuyên truyền nhãi nhép như tôi. Vả lại dầu có rủ được anh làm như tôi, khoác cái ba lô lên vai, đi hết làng nọ đến làng kia để nhận xét nông thôn một cách kỹ càng hơn cũng chẳng ích gì. Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. Anh trông thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài "ba giai đoạn" nhưng anh không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.
Tôi biết lắm. Trước mặt người đàn anh trong văn giới ấy, tôi chỉ là một kẻ non dại, mới tập tọng học nghề. Bởi vậy tôi không dám nói hết những ý nghĩa của tôi ra. Tôi chỉ rụt rè và đưa ra vài điểm nhận xét:
- Có nhiều cái kỳ lạ lắm. Người nhà quê dẫu sao thì cũng còn là một cái bí mật đối với chúng ta. Tôi gần gũi họ rất nhiều. Tôi dã gần như thất vọng vì thấy họ phần đông dốt nát, theo nhếch, nhát sợ, nhịn nhục một cách đáng thương. Nghe các ông nói đến "sức mạnh quần chúng", tôi rất nghi ngờ. Tôi vẫn cho rằng đa số nước mình là nông dân, mà nông dân nước mình thì vạn kiếp nữa cũng chưa làm cách mạng. Cái thời Lê Lợi, Quang Trung, có lẽ đã chết hẳn rồi, chẳng bao giờ còn trở lại. Nhưng đến hồi Tổng khởi nghĩa thì tôi đã ngả ngửa người. Té ra người nông dân nước mình vẫn có thể làm cách mạng, mà làm cách mạng hăng hái lắm. Tôi đã theo họ đi đánh phủ. Tôi đã gặp họ trong mặt trận Nam Trung Bộ. Vô số anh răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là "nựu đạn", hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh, mà lúc ra trận thì xung phong can đảm lắm. Mà không hề bận tâm đến vợ con, nhà cửa, như họ vẫn thường thế nữa….(Lược đoạn cuối)
(Trích “Đôi mắt” – Nam Cao)
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể truyện
Câu 2. Xác định nhân vật chính trong truyên,
Câu 3. Câu chuyện được kể ở những điểm nhìn nào?
Câu 4. Nhận xét về thái độ của Hoàng đối với người dân quê qua câu “Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối. Vợ chồng anh thi nhau kể tội người nhà quê đủ thứ”.
Câu 5. Sự khác biệt giữa “Đôi mắt” của Hoàng và Độ đối với người nhà quê là gì? Từ đó, hãy nhận xét về nhân vật Hoàng.
Câu 6. Theo anh/ chị việc xây dựng 2 nhân vật Hoàng và Độ trong văn bản trên có ý nghĩa gì?
Câu 7. Thông điệp rút ra từ văn bản
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh/ chị về Cách nhìn nhận đánh giá người khác.
Câu 2. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản trên.
Đề 6
I.ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
“Tôi đảo về qua nhà, đi vẩn vơ ngoài cái sân bỏ vắng mấy lượt, rồi cắm đầu đi thẳng vào đồng Kĩnh. Bấy giờ đã khuya lắm. Đêm tối vẫn rùng rùng bóng người, bóng trâu bò chạy giặc. Người ở vùng dưới chạy lên đây, người ở đây lại chạy mãi vào những mạn ven rừng. Trong các búi cây, bờ ruộng, khe suối, rệ đồi, trong các lều quán ven đường, chỗ nào cũng thấy nhan nhản những người. Chỗ nào cũng nghe tiếng trẻ khóc, tiếng gọi thưa, tiếng than thở, chửi rủa. Ruột gan tôi càng rối lên.
Vào đến nhà cụ bếp Móm, tôi giục nhà tôi thổi cơm ăn, chuẩn bị đi ngay đêm nay. Bây giờ tôi mới chợt nghĩ đến con chó. Tôi thấy nó vương vướng. Đem nó theo gia đình lức này thật chẳng được tích sự gì, rất phiền, mà rất có thể nguy hiểm. Mà bỏ nó lại thì… thật ra trong lòng tôi cũng áy náy. Trong cái lúc chạy giặc này, trong cái lúc con người ta đang phấn đấu giành lấy sự sống, sự đoàn tụ, yên vui, phải bỏ lại bất cứ một vật gì đã có trong gia đình mình cũng đều thấy xót xa như phải bỏ lại một con người và có cảm giác như đấy là một cuộc chia ly phũ phàng giữa cái sống và cái chết.
Con chó ấy, từ trước vẫn sợ tôi, thoáng thấy bóng tôi là tránh cho thật xa, đêm nay hình như nó cũng thấy có những cái gì khác hẳn, cái gì như là tan nát, thấy tôi về, nó mừng quá, nó quên cả cái thói quen sợ tôi của nó, nó chạy bổ ra với tôi, mừng rối rít. Nó quấn lấy tôi, dều dễu theo tôi, nằm phục dưới chân tôi mà hít hít, ngửi ngửi rên lên những tiếng ư ử sung sướng, thân thiết. Thì ra những lúc gian nguy, chẳng những con người, đến con vật cũng quên hết những ghét bỏ, hiềm khích cũ mà gần gũi, thương yêu nhau, thấy cần phải nương tựa vào nhau mà sống. Tôi bỗng đâm ra lưỡng lự không biết đối xử với con chó này như thế nào, bỏ nó lại, hay là mang nó đi?…”
(Trích “ Con chó xấu xí” – Kim Lân)
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt. Đâu là phương thức chính?
Câu 2. Xác định ngôi kể. Nội dung chính của văn bản trên?
Câu 3. Tìm những chi tiết diễn tả cảnh chạy giặc trong đoạn văn thứ 1
Câu 4. Sự thay đổi khác lạ của con chó trong đoạn văn thứ 3 là gì?
Câu 5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép tu từ qua câu văn “ Nó quấn lấy tôi, dều dễu theo tôi, nằm phục dưới chân tôi mà hít hít, ngửi ngửi rên lên những tiếng ư ử sung sướng, thân thiết”
Câu 6. Anh /chị hiểu gì về của câu văn “Thì ra những lúc gian nguy, chẳng những con người, đến con vật cũng quên hết những ghét bỏ, hiềm khích cũ mà gần gũi, thương yêu nhau, thấy cần phải nương tựa vào nhau mà sống”
Câu 7. Nhận xét về tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình đối với con chó trong đoạn văn bản trên.
II.LÀM VĂN
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn ( khoảng 150 chữ) trình bày quan điểm của anh/chị về ý nghĩa của lòng trắc ẩn trong cuộc sống
Đề 7
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cụ khẽ nâng vuông vải tây điều phủ trên khay trà gỗ trắc có chân quì. Nhẹ nhàng, khoan thai, cụ Ấm nhắc cả đĩa dầm, chén tống, chén quân ra khỏi lòng khay. Đến lúc dờ tới cái ấm con chuyên trà thì cụ kềnh càng hơn. Cụ ngắm nghía mãi chiếc ấm màu đỏ da chu, bóng không một chút gợn. Dáng ấm làm theo hình quả sung và khi luyện đất cho vào lò lửa, người thợ Tàu lấy dáng cho ấm kia đã là một người thợ có hoa tay. Cụ Ấm thử mãi da lòngtay mình vào mình cái ấm độc ẩm, hình như cốt tìm tòi một chút gợn trên đất nung để được sung sướng hoàn toàn sau khi nhận thấy cái ấm độc ẩm kia là nhẵn nhụi quá.
Nước sôi già lắm rồi. Nhưng thói quen vẫn bắt cụ Ấm rót thử một chút nước xuống đất xem có thực là sôi hay không. Mở đầu cho công việc vụn vặt trong mỗi ngày tàn còn lại, ông già đã sợ nhất cái ấm trà tàu pha hỏng lúc sớm mai. Từ trên bề caogỗ sập, dòng nước sôi trút mạnh xuống nền đất trị, tiếng kêu lộp bộp.
Trên chiếc hỏa lò để không, cụ đã đặt thêm một ấm đồng cò bay khác. Những người uống trà dùng cách thức trà đạo như cụ Ấm bao giờ cũng có ít ra là hai cái ấm đồng đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai ấm đồng đó cứ được mãi mãi thay phiên nhau đặt lên lò than đỏ rực. Bữa nước trà cứ kéo dài không hết hồi, người ta luôn tay có một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon.
Nhưng có mấy khi cụ Ấm uống trà tàu nhiều đến thế. Riêng về phần cụ, chỉ hai chén con là đủ rồi. Nhưng hai chén đó đã được cụ săn sóc đến nhiều quá.
Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí.
(Trích Chén trà sương, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân truyện ngắn, NXB Văn học, 2006, tr.148-149)
Câu 1. Cái thú chơi thanh đạm mà nhà văn Nguyễn Tuân đã gợi lại trong đoạn trích trên là gì?
Câu 2. Để chỉ một đối tượng là cái ấm pha trà, tác giả đã dùng những cách gọi nào?
Câu 3. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ gì của Nguyễn Tuân đối với cái thú chơi thanh đạm của nhân vật cụ Ấm?
Câu 4. Nêu cảm nhận của anh/chị về sự tài hoa của nhân vật cụ Ấm trong đoạn trích trên.
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm): Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải bảo vệ và phát triển những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời đại ngày nay.
Đề 8
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Tôi vội vàng nhét vào trong chiếc túi cấp dưỡng nhọ nhem của chị một chiếc phong bì niêm rất cẩn thận. Suốt buổi trưa, tôi đã mượn giấy bút biên cho Nguyệt lá thư đầu tiên. Ra đến rừng săng lẻ, tôi chưa về chỗ giấu xe vội, mà men bờ sông ra ngoài cầu. Con sông miền Tây in đầy bóng núi xanh thẳm, hai bên bờ cỏ lau chen với hố bom. Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát rìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiến đá xanh lớn rơi ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời. Tôi đứng bên bờ sông giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá những cái quý giá đó chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?
(Trích Mảnh trăng cuối rừng, Tuyển tập Nguyễn Minh Châu,
NXB Văn học, 2018, tr. 46)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra hình ảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả trong đoạn trích.
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu văn: “Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?”.
Câu 4. Anh/Chị hãy nhận xét quan niệm về con người của tác giả trong đoạn trích.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tại nhiều địa phương đã xuất hiện cây ATM gạo để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của hiện tượng trên.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài thể hiện trong đoạn trích sau:
Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr. 7 - 8)